Ghi chép của wateveriam
Tác động của trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu lên trẻ em
Nếu đã bao giờ bạn bắt gặp bản thân cứ mãi trong hoàn cảnh vật lộn với một vấn đề sức khỏe hay tâm lý tưởng như không bao giờ dứt, hay cảm giác như mình đang bơi ngược dòng một thác nước vô hình không gọi được tên, có thể các kiến thức khoa học mới đây sẽ cho bạn thêm niềm tin, động lực và câu trả lời.
Năm 1995, bác sĩ Vincent Felitti và Robert Anda khởi động một nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn về lịch sử thời trẻ em và niên thiếu của 17000 đối tượng nghiên cứu, nhằm so sánh trải nghiệm thời thơ ấu của họ với bệnh sử tương ứng khi đã trưởng thành. Kết quả của nghiên cứu gây tiếng vang lớn: gần 2/3 người tham gia nghiên cứu đã gặp phải một Trải nghiệm Thơ ấu Tiêu cực (Adverse Childhood Experience - sau đây sẽ gọi là ACE) - một thuật ngữ bác sĩ Felitti và Anda dùng để chỉ các vấn đề, sự kiện lặp đi lặp lại, không thể dự báo trước và gây ra căng thẳng cho trẻ, ví dụ: có 1 phụ huynh trầm cảm hoặc nghiện rượu; mất 1 người phụ huynh do ly dị hoặc vì lý do khác; thường xuyên bị làm nhục, bỏ bê, hay bị bạo hành về thể chất hoặc tình dục. Các sang chấn tâm lý này vượt quá những thử thách điển hình hàng ngày của quá trình trưởng thành.
Số lượng ACE một người gặp phải có thể tiên đoán mức độ dịch vụ y tế người này cần khi đã trưởng thành với độ chính xác đáng kinh ngạc:
· Những người gặp phải từ 4 loại ACE trở lên có khả năng mắc ung thư cao gấp đôi so với những người không gặp phải các trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu
· Với phụ nữ, mỗi điểm ACE có nghĩa người phụ nữ này tăng thêm 20% nguy cơ nhập viện do bệnh về miễn dịch
· Một người có điểm ACE là 4 có khả năng trầm cảm cao hơn 460% so với một người có điểm ACE là 0
· Điểm ACE từ 6 trở lên làm giảm tuổi thọ của 1 người gần 20 năm
Nghiên cứu về ACE cho chúng ta thấy các mối căng thẳng độc hại lặp đi lặp lại và không dự báo trước trong thời thơ ấu làm tăng nguy cơ mắc một loạt các bệnh mãn tính sau này. Tại sao? Ngày nay, trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, các nhà thần kinh học đang nghiên cứu mối liên hệ giữa bộ não và cơ thể, và lý giải về mặt hóa sinh học, cơ chế khiến sự căng thẳng ở thời thơ ấu thay đổi cơ thể, tế bào, thậm chí là cả DNA để gây ảnh hưởng đến sức khỏe ở tuổi trưởng thành. Chắc chắn các kết quả nghiên cứu sẽ khiến bạn kinh ngạc.
1. SỰ THAY ĐỔI NGOẠI DI TRUYỀN
Khi chúng ta liên tục gặp phải các tình huống gây căng thẳng trong thời kỳ thơ ấu hoặc vị thành niên, cơ chế phản ứng với căng thẳng bị quá tải, và chúng ta mất khả năng phản ứng một cách hợp lý và hiệu quả với kích thích (stressor) trong tương lai - 10, 20, thậm chí là 30 năm sau. Điều này xảy ra do một quá trình gọi là methyl hóa gene, trong đó những gói hóa chất nhỏ thuộc nhóm methyl bám vào các gene tham gia vào cơ chế phản ứng với căng thẳng, và làm suy giảm chức năng của các gene này. Vì vậy, hệ thống phản ứng lại căng thẳng được mặc định luôn chạy ở mức cao nhất, dẫn đến viêm sưng và mắc bệnh.
Hậu quả là chúng ta dễ phản ứng quá đà với các kích thích trong cuộc sống hàng ngày - hóa đơn bánh căn 2 triệu ở Nha Trang, cãi nhau với vợ, bị trẻ trâu đánh võng trước mặt trên đường cao tốc - khiến hệ thống phản ứng với căng thẳng càng viêm nặng hơn. Điều này khiến chúng ta dễ mắc nhiều bệnh mãn tính, trong đó có các bệnh về khả năng miễn dịch, bệnh tim, ung thư, và trầm cảm.
Các nhà nghiên cứu tại đại
học Yale gần đây đã phát hiện trẻ em phải đối mặt với các căng
thẳng độc hại trong thời gian dài có các thay đổi “trong toàn bộ hệ
thống gene”, không chỉ với các gene liên quan đến quản lý căng thẳng,
mà kể cả các gene liên quan đến một loạt các bệnh ở tuổi trưởng
thành. Các nghiên cứu mới về sang
chấn tâm lý ở thời thơ ấu, thay đổi ngoại di truyền, và các bệnh về
thể chất khi trưởng thành đã phá vỡ định kiến tách biệt giữa các
bệnh “thể chất” và các bệnh “tâm thần” hoặc “tâm lý”.
2. KÍCH CỠ VÀ HÌNH DẠNG CỦA BỘ NÃO
Các nhà khoa học đã chứng minh được khi một bộ não đang phát triển phải liên tục chịu căng thẳng, bộ não giải phóng một hormone thu nhỏ kích cơ của đồi hải mã, bộ phận của não bộ phụ trách xử lý tâm trạng, trí nhớ và quản lý căng thẳng. Nghiên cứu chụp cộng hưởng từ cho thấy các đối tượng nghiên cứu có điểm ACE càng cao thì lượng chất xám ở những vùng quan trọng của bộ não càng ít, đặc biệt là ở thùy trán, bộ phận liên quan đến việc đưa ra quyết định và kiềm chế bản thân, và hạch hạnh nhân (amygdala), trung tâm xử lý nỗi sợ hãi. Những đứa trẻ có não bộ bị ACE thay đổi dễ trở thành những người lớn có xu hướng phản ứng thái quá với những kích thích nhỏ.
3. LOẠI BỎ NEURON
Trẻ em sở hữu lượng lớn các neuron và liên kết synapse; bộ não trẻ luôn hoạt động để học hỏi từ thế giới xung quanh. Cho đến tận gần đây, các nhà khoa học vẫn tin rằng sự loại bỏ các neuron và liên kết synapse là hoàn toàn theo nguyên tắc “bỏ những thứ không sử dụng”, nhưng hiện nay một nhân tố mới trong quá trình phát triển của bộ não đã được phát hiện: các tế bào não không phải là neuron - được gọi là tiểu thần kinh đệm (microglia), chiếm khoảng 10% toàn bộ tế bào não, và là một phần của hệ thống miễn dịch - các tế bào này cũng tham gia vào quá trình loại bỏ các synapse. Các tế bào này loại bỏ synapse cứ như bộ đội Việt Nam húp mì tôm vậy. Chúng cũng dọn dẹp và loại bỏ các tế bào thừa và chất thải ở cấp độ tế bào, giống như giupviec.vn
Nhưng khi một đứa trẻ gặp phải những tình huống không dự đoán được, gây căng thẳng kinh niên (ACE) tiểu thần kinh đệm “có thể tăng mạnh hoạt động và tiết ra các hóa chất (neurochemicals) dẫn đến viêm thần kinh (neuroinflammation)” - trích lời tiến sĩ Margaret McCarthy, phụ trách đội ngũ nghiên cứu về quá trình phát triển của não bộ tại Trung tâm y tế đại học Maryland - “Tình trạng sưng viêm mãn tính khó phát hiện này có thể dẫn để những thay đổi gây ảnh hưởng trọn đời đến não bộ”.
Điều này có nghĩa là những đứa trẻ đến tuổi vị thành niên
có tiền sử gặp phải trải nghiệm xấu và không có một hình tượng
người lớn yêu thương, luôn ở bên cạnh để giúp đỡ chúng thì có nhiều
khả năng mắc cái rối loạn về tâm trạng hoặc chức năng điều hành
(rối loạn chức năng điều hành nghĩa là mất khả năng tập trung để
hoàn thành nhiệm vụ) và có kỹ năng ra quyết định kém.
4. TELOMERE (KHÔNG CÓ TỪ TIẾNG VIỆT)
Mỗi sang chấn có thể khiến
trẻ trông “già hơn” về mặt tình cảm so với bạn bè. Các nhà nghiên
cứu tại đại học Duke, đại học California, đại học San Francisco và
đại học Brown đã phát hiện ra ACE có thể làm trẻ em già đi ở cấp
độ tế bào. Những người lớn chịu nhiều sang chấn khi còn trẻ thì có
sự thoái hóa rõ rệt hơn ở telomere - nắp bảo vệ ở cuối của các
chuỗi DNA, có tác dụng bảo vệ toàn bộ hệ thống gene khỏe mạnh và
lành lặn. Khi telomere bị thoái hóa, chúng
ta dễ mắc bệnh hơn, và tế bào già đi nhanh hơn.
5. MẠNG LƯỚI MẶC ĐỊNH
Trong mỗi bộ não có một hệ thống các liên kết neuron được gọi là “mạng lưới mặc định” yên lặng hoạt động. Mạng lưới này kết hợp các vùng não liên quan đến trí nhớ và tổng hợp suy nghĩ, và lúc nào cũng sẵn sàng hoạt động để giúp con người quyết định hành động tiếp theo của mình. Ruth Lanius, chuyên gia thần kinh, giáo sư tâm thần, giám đốc đơn vị nghiên cứu Rối loạn Stress Hậu Sang chấn (PTSD) tại đại học Ontario cho biết “các khu vực này có mạng lưới liên kết dày đặc và giúp chúng ta quyết định những điều gì quan trọng và điều gì không cần quan tâm, nhờ thế chúng ta có thể đáp ứng với môi trường xung quanh”
Nhưng khi một đứa trẻ gặp phải tình huống ACE và thường xuyên phải đưa ra quyết định đánh-hay-bỏ-chạy, mạng lưới mặc định bị tắt đi và không còn giúp đứa trẻ quyết định hành động của mình nữa. Theo Lanius, những đứa trẻ gặp sang chấn tâm lý có ít liên kết trong mạng lưới mặc định hơn - kể cả sau khi sang chấn đã xảy ra hàng thập kỷ. Bộ não của chúng không thể duy trì trạng thái mặc định lành mạnh - và vì vậy chúng gặp vấn đề trong việc phản ứng một cách phù hợp với thế giới xung quanh.
6. ĐƯỜNG DẪN BỘ NÃO - CƠ THỂ
Cho đến tận gần đây, khoa học vẫn tin rằng bộ não có “đặc quyền miễn dịch”, tức là không có liên hệ với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nhưng điều đó hóa ra không đúng, theo các nghiên cứu gây chấn động trong giới học thuật của Trường Y Đại học Virginia. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một đường nối rất khó phát hiện liên kết bộ não và hệ thống miễn dịch thông qua các ống bạch huyết. Hệ bạch huyết là một phần của hệ tuần hoàn và vận chuyển lymph - một loại chất lỏng có tác dụng loại trừ độc tố, và vận chuyển các tế bào miễn dịch từ nơi này qua nơi khác trong cơ thể. Nhờ vậy hiện nay chúng ta đã biết hệ miễn dịch cũng bao gồm cả não bộ nữa.
Kết quả này có ý nghĩa to
lớn với các nghiên cứu về ACE. Với một đứa trẻ đã gặp phải trải
nghiệm xấu, mối quan hệ giữa nỗi đau về thể chất và tâm thần rất
chặt chẽ: các hóa chất gây viêm,
sưng được tiết ra trong cơ thể khi đứa trẻ bị căng thẳng thường xuyên
không chỉ giới hạn trong cơ thể mà còn được đưa đến não.
7. LIÊN KẾT NÃO
Ryan Herringa, bác sĩ tâm thần kinh và phó giáo sư tại viện tâm thần trẻ em và vị thành niên Đại học Wisconsin, phát hiện rằng trẻ em và thiếu niên có trải nghiệm tiêu cực thường xuyên trong thời kỳ thơ ấu có mối liên kết giữa thùy trám và hồi hải mã yếu hơn. Ngoài ra, trẻ em gái còn có mối liên hệ yếu hơn giữa thùy trán và hạch hạnh nhân. Điều này có vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu chúng ta có dễ phản ứng một cách cảm tính với những sự việc xảy ra trong cuộc sống thường ngày hay không, và liệu chúng ta có dễ coi một sự kiện là gây căng thẳng hoặc nguy hiểm hay không.
Bác sĩ Herringa nói thêm:
“Nếu bạn là một cô bé phải chịu ACE và vì vậy các liên kết trong não trở nên yếu hơn, khi bạn gặp phải bất cứ tình huống căng thẳng nào trong cuộc sống sau này, bạn sẽ cảm thấy mức độ sợ hãi và lo lắng cao hơn người khác”
Những bé gái này có nguy cơ rối loạn lo âu và trầm cảm cao
hơn khi đến tuổi thành niên. Điều này có thể phần nào giải thích
tại sao phụ nữ có nguy cơ mắc rối loạn tâm trạng cao gấp 2 lần so
với nam giới.
Các bậc cha mẹ có thể sẽ cảm thấy lo ngại vì thông tin này. Tuy nhiên, các hiểu biết khoa học không chỉ cho chúng ta biết tác hại của ACE, mà còn giúp chúng ta rút ra bài học về cách làm cha mẹ đúng đắn, và các cách để chữa lành cơ thể và não bộ của trẻ. Nói cho cùng, cơ thể và não bộ luôn không ngừng thay đổi và không bao giờ đứng yên.
0 bình luận