Avatar's bai_tu_long

Ghi chép của bai_tu_long

hải chiến hoàng sa P6

2. Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) nhập vùng

     

      Ngay khi nhận được báo cáo của HQ-16 về sự phát hiện nhiều tàu Trung Cộng xâm nhập hải phận Hoàng Sa, BTL/HQ/V1DH lập tức phản ứng. Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư Lệnh HQ/V1DH chỉ thị KTH Trần Khánh Dư HQ-4 ra Hoàng Sa tăng cường, đồng thời ra lệnh cho HQ-16 đổ bộ nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc để triệt hạ cờ Trung Cộng.

      Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư do Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, xuất thân Khóa 11 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, làm Hạm Trưởng. Tác phong đứng đắn, luôn luôn tuân hành và hoàn tất chu đáo mọi chỉ thị của thượng cấp, Trung Tá San không những là một sĩ quan hải quân tài giỏi, mà còn là một hạm trưởng được xếp vào hàng xuất sắc của Hải Quân Việt Nam. Hạm phó của KTH Trần Khánh Dư là Hải Quân Thiếu Tá Nguyễn Thành Sắc, một Sĩ-Quan rất thâm-niên cấp-bậc. Ông từng làm Hạm-trưởng tới 4 chiến-hạm trước khi về HQ.4. Thiếu Tá Sắc là bạn cùng khóa 11 Sĩ Quan Hải-Quân với Hạm Trưởng Vũ Hữu San.

      Tại cầu tàu của bán đảo Tiên Sa, Đà Nẵng, lúc đó HQ-4 đang nhận đạn-dược, dầu, nước ngọt cũng như thực phẩm; được lệnh hoàn tất việc tiếp tế và lên đường càng sớm càng tốt vì theo báo cáo của HQ-16, tình hình tại Hoàng Sa mỗi lúc một căng thẳng thêm. Mọi nhân viên trên chiến hạm đều ráo riết chuẩn bị và làm việc không ngưng nghỉ để kịp thời lên đường. Vào khoảng nửa đêm 16 rạng ngày 17-1, KTH Trần Khánh Dư vận chuyển tách bến Đà Nẵng trực chỉ Hoàng Sa, chở theo một trung đội Biệt Hải thuộc Sở Phòng Vệ Duyên Hải do Đại Úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy. Tới xế trưa ngày 17-1, khoảng 2 giờ chiều, chiến hạm tới vùng hành quân, hợp cùng với HQ-16 tuần-tiễu phòng-thủ Hoàng Sa. Trong thời gian này, Hạm-Trưởng HQ.4 là Trung Tá San được Phó Đề Đốc TL/HQ/V1ZH chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng cuộc Hành Quân Bảo Vệ Quần Đảo Hoàng Sa, chịu trách nhiệm điều động tất cả lực-lượng thủy-bộ Việt-Nam, trên đảo cũng như các chiến hạm.

      Khi vừa nhập vùng, Hạm Trưởng HQ-4 đã có những hành động tức thời để uy hiếp lực lượng Trung Cộng. HQ-16 được lệnh vận chuyển từ phía Bắc (đảo Hoàng Sa) xuống, trong khi HQ-4 từ hướng Nam (đảo Vĩnh Lạc) tiến lên tạo thành thế gọng kìm xiết chặt hai chiếc tàu Trung Cộng vào giữa. Thấy lực lượng VNCH được tăng cường và nhất là có phản ứng mạnh hơn so với mấy ngày hôm trước, nhưng hai chiếc tàu Trung Cộng vẫn còn bám chặt vùng đảo Cam Tuyền. Đôi bên lại dùng loa phóng thanh để trao đổi yêu sách, bên này đòi bên kia phải rời khỏi hải phận của mình. Thấy dằng co hồi lâu vẫn không đạt được kết quả mong muốn, Trung Tá San vận-chuyển HQ-4 húc mũi tàu của mình vào ngư thuyền 407 của Trung Cộng, đẩy tàu này ra xa ngoài khơi để cảnh cáo. Vì mũi tàu HQ-4 cao lớn hơn, đài chỉ-huy của tàu Trung Cộng bị đè dẹp và phòng lái thấp hơn bị bể một lỗ lớn. Trước hành động quyết liệt đó, hai chiếc tàu Trung Cộng đành phải nhượng bộ[12], rời vùng chạy vòng qua phía nam Cam Tuyền, sau đó chạy về phía hai đảo Duy Mộng và Quang Hòa ở hướng Đông Nam.

      Sau khi đuổi được hai tàu Trung Cộng đi chỗ khác để bảo đảm an ninh cho toán đổ bộ, chiến hạm VNCH tiến hành việc đổ quân như đã dự trù.

      Hai ngày trước đó, TDH Lý Thường Kiệt đã thành-công trong việc đổ bộ một toán nhân viên cơ hữu gồm 14 người lên đảo Vĩnh Lạc để dẹp cờ Trung Cộng và cắm cờ VNCH. Toán nhân viên này đa số được lựa trong ngành trọng pháo quen tác chiến, mang theo súng ống, đạn được và lương khô đủ dùng trong vòng ba ngày. Trưởng toán đổ bộ là Trung Úy Lâm Trí Liêm xuất thân khóa 10 OCS được đào tạo tại Trường Hải Quân Rhodes Island, Hoa Kỳ. Trung úy Liêm trước đây đã từng phục vụ tại các giang đoàn chiến đấu trong các sông rạch miền Nam nên tương đối có nhiều kinh nghiệm tác chiến trên bộ.

      Toán đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc không gặp sức kháng cự nào, chỉ tìm thấy mấy ngôi mộ mới và vài lá cờ Trung Cộng. Tất cả những dấu tích ngụy tạo này đều bị binh sĩ VNCH phá hủy.

      Tiếp đó, theo đúng lệnh hành quân, HQ-4 đổ bộ 14 nhân viên cơ hữu lên đảo Cam Tuyền. Tại đây, Trung Cộng có 3 tàu neo gần đảo và mấy chiếc xuồng nhỏ để liên lạc với những người trên đảo. Khi thấy lực lượng VNCH đổ quân, những chiếc tàu Trung Cộng lặng lẽ thu quân rút lui không chống trả. Toán đổ bộ lục soát tìm thấy một lá cờ Trung Cộng mới cắm vài ngày trước. Các dấu tích cũ của VNCH vẫn còn trên đảo gồm một tấm bia ghi ngày 5-12-1963 của Thủy Quân Lục Chiến, 2 bể chứa nước mưa bằng xi măng và một ngôi miếu nhỏ có hàng chữ đề ngày 31-11-1963.

      Khoảng 6 giờ chiều ngày 17-1, hai chiến hạm của Hải Quân Trung Cộng loại Kronstadt (viết tắt là K-) trang bị hải pháo 100 ly và 37 ly mang số 271 và 274 xuất hiện. Có lẽ những chiến hạm này xuất phát từ căn cứ hải quân Yulin ở phía Nam đảo Hải Nam đến tăng cường theo lời cầu cứu của mấy chiếc tàu chở quân. Hai chiếc Kronstadt từ đảo Quang Hòa xả hết tốc độ hướng về phía các chiến-hạm HQ-4 và HQ-16 với thái độ khiêu khích thách thức. Tuy nhiên các chiến hạm VNCH vẫn bình tĩnh và ôn hòa dùng đèn hiệu yêu cầu tàu Trung Cộng hãy rời khỏi hải phận Việt Nam. Phía Trung Cộng cũng dùng quang hiệu trả lời, yêu cầu các chiến hạm VNCH rời khỏi hải phận của họ. Đôi bên trao đổi tín hiệu chừng một tiếng đồng hồ không có kết quả, nhưng trước thái độ cương quyết của phía VNCH, hai chiếc Kronstadt đành nhập đoàn với những tàu Trung Cộng khác lui về bố trí tại hai đảo Quang Hòa và Duy Mộng. Dường như họ có ý định củng cố lực lượng và bảo vệ toán quân đã được đổ bộ lên đảo.

4996 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết