Avatar's bai_tu_long

Ghi chép của bai_tu_long

Tường thuật hải chiến hoàng sa từ những ngời tham chiến- P1

Vào đầu năm 1974, trong lúc tình hình chiến sự tại Việt Nam trở nên vô cùng sôi động với các trận đánh lớn diễn ra trên khắp bốn vùng chiến thuật, ngoài khơi Biển Đông đã xảy ra một trận hải chiến có tầm vóc lịch sử giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng. Trận hải chiến này có hậu quả vô cùng quan trọng, không những liên quan tới cục diện an ninh Việt Nam, vùng Ðông Nam Á mà cả toàn cầu.

      Về phương diện lịch sử, đây là lần đầu tiên kể từ thế kỷ thứ 13 khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn dưới thời nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ, Nam quân lại đụng độ với Bắc quân trên mặt biển. Về mặt hậu quả, sau khi lấn chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng đã công khai gây hấn với các quốc gia láng giềng tại Đông Nam Á, thực hiện kế hoạch bành trướng tại Biển Đông nhằm khống chế và uy hiếp toàn vùng. Riêng đối với Việt Nam, việc Trung Cộng ngang nhiên xua quân xâm lấn quần đảo Hoàng Sa lại càng quan trọng, vì đây mới chỉ là bước đầu đưa tới hành động tiến xa hơn về phía Nam, thôn tính luôn quần đảo Trường Sa và làm bá chủ Biển Đông. Mất Hoàng Sa và Trường Sa, hai tiền đồn chiến lược che chở trước mặt, không những Việt Nam bị mất hết quyền lợi kinh tế tại Biển Đông mà còn bị hoàn toàn khống chế về mặt phòng thủ chiến lược.

      Cũng như những lần đụng độ trước đây với kẻ thù truyền kiếp, tuy lực lượng xâm lăng phương Bắc mạnh hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã noi gương Thánh Tổ Trần Hưng Ðạo anh dũng chiến đấu, gây cho địch những tổn thất nặng nề. Qua dòng lịch sử của hàng ngàn năm Bắc thuộc, khi kẻ thù mạnh thì chúng ta kiên nhẫn lùi bước, lãnh thổ quốc gia tạm thời bị ngoại nhân xâm chiếm. Nhưng Việt Nam ta "hào kiệt thời nào cũng có", sớm muộn gì gia sản của tổ tiên cũng sẽ được khôi phục, và các quần đảo thân yêu Hoàng Sa cùng Trường Sa sẽ mãi mãi là phần lãnh thổ bất khả phân của tổ quốc Việt Nam.

      Tuy nhiên, trong thời đại giao thông tiến bộ vượt bực như ngày nay, mọi tranh chấp giữa các quốc gia không chỉ đơn thuần liên quan tới những phe liên hệ, mà không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tới nền an ninh của toàn vùng hay toàn cầu. Việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Cộng về quần đảo Hoàng Sa cũng không ngoại lệ. Do đó, để hiểu rõ tầm quan trọng của trận hải chiến Hoàng Sa, chúng ta cần biết rõ bối cảnh quân sự cũng như chính trị tại vùng Đông Nam Á cũng như trên thế giới lúc bấy giờ.

Vào thời điểm năm 1972, qua sự trung gian của Ngoại Trưởng Kissinger, Hoa Kỳ đã dùng chính sách ngoại giao "bóng bàn" để ve vãn Trung Cộng. Thế giới lúc đó gồm các cường quốc Hoa Kỳ, Nga Sô và Trung Cộng được chia ba theo thế "chân vạc" như thời Tam Quốc. Phe nào chiếm được đa số sẽ nắm phần lợi thế.

      Đối với Hoa Kỳ, tuy cả Nga Sô lẫn Trung Cộng đều là các quốc gia Cộng Sản, nhưng Nga Sô vẫn luôn luôn là kẻ thù chính cần phải loại bỏ trước. Vì vậy, nếu thuyết phục được Trung Cộng trở thành đồng minh, phe Hoa Kỳ sẽ có hai trong ba chân vạc, Nga Sô bị cô lập ở thế "lưỡng đầu thọ địch" không sớm thì muộn cũng sẽ bị sụp đổ. Lúc đó, Hoa Kỳ sẽ tay đôi "một chọi một" với Trung Cộng và có lẽ sẽ không cần dùng tới sức mạnh quân sự mà chỉ cần mở mặt trận kinh tế cũng đã đủ chi phối được một nước Trung Hoa tuy rộng lớn, đông dân nhưng nghèo đói. Khi Trung Hoa đã nằm trong quĩ đạo kinh tế thị trường do Hoa Kỳ chủ động, ngoài việc Hoa Kỳ sẽ mặc tình thao túng mà còn mở cửa được một thị trường tiêu thụ khổng lồ trên một tỷ dân khiến nền kinh tế thêm thịnh vượng. Ðề cập tới tầm quan trọng của sự bành trướng thị trường này, một chuyên gia trong giới kinh tế, tài chánh Hoa Kỳ thường ao ước: "Chỉ cần mỗi người dân Trung Cộng uống một lon Coca Cola và ăn một cái Hamburger mỗi năm, nền kinh tế của Hoa Kỳ sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ".

      Về phía Trung Cộng, tuy biết rõ âm mưu thôn tính bằng kinh tế của Hoa Kỳ, nhưng cũng không thể làm gì hơn. Sau hơn một nửa thế kỷ cùng người anh em Nga Sô theo chế độ Xã Nghĩa Mác Lê, Trung Cộng đã không tìm được thiên đường Cộng Sản mà chỉ thấy địa ngục đói khổ, dân chúng ngày càng ta thán nên cuối cùng cũng phải theo tiếng gọi của bao tử. Thà theo kẻ thù "Tư Bản" mà được ăn no còn hơn đọc thánh kinh của họ Mao với chiếc bụng rỗng.

      Vì vậy, cuộc viếng thăm thủ đô Bắc Kinh của Tổng Thống Nixon đã đánh dấu sự thành công của chính sách "ngoại giao bóng bàn". Ngoài những quyền lợi về kinh tế và chính trị, kể từ nay Hoa Kỳ cũng không còn phải bận tâm về "lò thuốc súng Đông Nam Á" vì đã có đồng minh mới Trung Cộng ghé vai gánh vác. Được Hoa Kỳ chính thức bàn giao, Trung Cộng cũng thấy đây là cơ hội bằng vàng để thực hiện giấc mộng bá chủ vùng Đông Nam Á của mình. Hành động đầu tiên trong tham vọng này là xua quân xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Về phía Hoa Kỳ cũng đẩy mạnh chính sách bỏ rơi vùng Đông Dương bằng cách bán đứng miền Nam Việt Nam chỉ vài năm sau đó.

      Do đó, khi trận hải chiến Hoàng Sa xảy ra vào năm 1974, đồng minh Hoa Kỳ chẳng những đã không trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) về phương diện quân sự cũng như ngoại giao, mà trước đó, còn dọa dẫm và khuyến cáo Hải Quân VNCH đừng tham chiến. Chính các sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ cũng không giám nghĩ rằng Hải Quân Việt Nam sẽ ra khơi vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch. Những "cố vấn" kiêm chuyên gia về Hải Quân này dự đoán rằng các chiến hạm Việt Nam sẽ lặng lẽ rút lui bỏ mặc quần đảo Hoàng Sa thân yêu êm thấm rơi vào tay giặc. Những ước đoán trên căn cứ vào thái độ của Hoa Kỳ lúc đó, cho biết Hải Quân của họ dù đang làm bá chủ Biển Đông, cũng đứng ngoài vòng tranh chấp.

      Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng không đồng ý để Việt-Nam xử dụng các khinh tốc đĩnh (PT boat) tại Đà Nẵng. Các chiến-đĩnh này do thủy thủ đoàn Việt Nam điều khiển, nhưng Hoa Kỳ kiểm soát. Ngay tới khi trận hải chiến đã kết thúc, lực lượng HQ Hoa Kỳ vẫn còn từ chối tiếp cứu những thủy thủ Việt Nam lâm nạn, một điều trái ngược hẳn với qui luật của người đi biển. Cho tới nay, chúng tôi đã nhiều lần viết thư yêu cầu phòng Quân Sử của Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp những dữ kiện đã được giải mật về trận Hải Chiến Hoàng Sa, nhưng lúc nào họ cũng trả lời "không có bất cứ một tài liệu nào liên quan trong hồ sơ lưu trữ". Đây là một điều rất khó tin vì lúc đó, Hải Đoàn 77 (Task Force 77) của HQ Hoa Kỳ gồm nhiều mẫu hạm và các chiến chạm yểm trợ tổng cộng gần 20 tàu chiến đang hoạt động tại vị trí "Yankee" (Yankee Station) trong Vịnh Bắc Việt, cách Hoàng Sa về phía Đông Bắc không xa. Thật sự Hoa Kỳ có hoàn toàn "không biết" hay đứng ngoài vụ tranh chấp hay không? Hoa Kỳ đã "mũ ni che tai" vì lý do gì? Mời độc giả tuần tự theo dõi các diễn biến của trận hải chiến tại Hoàng Sa, hy vọng sẽ tìm được câu trả lời.

      Ngoài sự dự đoán của Hoa Kỳ cũng như của Trung Cộng, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa dù đơn độc và cô thế "lưỡng đầu thọ địch" cũng đã dùng hết sức tham chiến. Các chiến sĩ áo trắng đã can đảm nổ súng vào quân xâm lăng và chiến đấu đến tận cùng khả năng của mình. Sau trận hải chiến, dư luận báo chí quốc tế đã bày tỏ nhiều thiện cảm qua những bài bình luận rất thuận lợi cho Việt Nam trong khi lên án quân xâm lược Trung Cộng.

      Trước khi đi sâu vào chi tiết trận hải chiến, tưởng cũng cần nêu lên một vài điểm liên quan đến việc sưu tầm tài liệu. Nói chung, đây là việc rất khó khăn vì đa số đã bị thất lạc hoặc vùi chôn trong quá khứ.

      Thứ nhất, trận hải chiến xảy ra cách đây đã lâu nên những chi tiết ngay cả đối với những người đã trực tiếp tham dự không ít thì nhiều cũng bị mai một với thời gian. Vả lại, mỗi nhân chứng tùy theo vị trí và hoàn cảnh sẽ có tầm nhìn và nhận xét khác nhau, do đó việc tường thuật trung thực mọi chi tiết như một máy quay phim thiết tưởng không thể nào thực hiện được. Thứ hai, tuy đã có một số bài viết về Hoàng Sa nhưng những tài liệu này phần lớn dựa vào ký ức nên thiếu chính xác và chưa đủ để nói lên tầm vóc quan trọng của biến cố lịch sử này. Thứ ba, vì miền Nam đã bị Cộng Sản xâm chiến nên những tài liệu chính thức như các phúc trình hậu hành quân của các chiến hạm tham chiến cũng như của Bộ Tư Lệnh Hải Quân (BTL/HQ) rất khó sao lục lại. Theo HQ Trung Tá Vũ Hữu San, báo Le Courier du Vietnam cho biết ngày nay còn có một bản Tổng Kết Hải Chiến Hoàng Sa của BTL/HQ trình BTTM/QLVNCH lưu giữ tại Hà Nội.

      Vì những lý do trên, tuy khả năng và hoàn cảnh hạn hẹp, chúng tôi cũng cố gắng thuật lại trận hải chiến tại Hoàng Sa, càng gần với sự thật càng tốt, căn cứ vào những tài liệu thâu thập được phối kiểm với lời kể lại của các nhân chứng.

4995 ngày trước · Bình luận · Loan tin ·  
Website liên kết