(Ngẫm lại chuyện cũ nhân ngày Báo chí cách mạng VN 21/6)
Viết báo có thể nói là nghề kiếm tiền chính thức thứ 4 của tôi, sau 3 nghề gồm bán nước chè xanh dạo ở chợ làng, chụp ảnh đám cưới quê và thầy giáo dạy tiếng Anh tại các Trung tâm Ngoại ngữ ở Hà Nội.
Tôi bước vào nghề từ năm 2000, bắt đầu với việc tập sự tại tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - Vietnam Business Forum của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Là dân chuyên Toán nhưng ham viết lách và chụp hình, cộng thêm máu phiêu lưu của người Nghệ, tôi đặc biệt thích các chuyến được cùng nhiều đàn anh là nhà báo kỳ cựu đi ngược miền Núi phía Bắc để làm chuyên đề phát triển kinh tế địa phương.
Một trong những kỷ niệm khó quên là có lần khoảng năm 2001 tôi cùng nhà báo Sỹ Cường (đã mất) ngược lên Lạng Sơn bằng xe phân khối lớn để làm chuyên đề. Do đường miền núi hiểm trở, gặp trời ẩm ướt, trượt bánh xe, hai anh em ngã. Anh Sỹ Cường, là người cầm lái, bị gãy chân. Tôi chưa bao giờ chạy xe phân khối lớn và kinh nghiệm xe máy còn rất ít, cũng buộc phải nhận nhiệm vụ chở anh vào đồn biên phòng Đồng Đăng nhờ trợ giúp và sau đó chạy một mạch gần 200km về Hà Nội. Chuyến đi bão táp nhưng với tôi, rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm đã thu lượm được, và đặc biệt là được ăn những bữa cơm thịt rừng rất ngon.
Do học trường Học viện Ngoại giao (lúc này gọi là Học viện Quan hệ Quốc tế), tôi được Toà soạn phân công phụ trách hai mảng gồm theo dõi quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước và chuyên mục "Câu chuyện thành công" - khai thác các câu chuyện kinh doanh điển hình để chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nghiệp.
Một kỷ niệm tác nghiệp đáng nhớ khác là lần tôi đến Toà nhà Vườn Hồng (Rose Garden) ở Giảng Võ để phỏng vấn Tham tán Thương mại Hoa Kỳ Michael R. Frisby và Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) Peter Ryder nhân dịp hai nước Việt Mỹ ký hiệp định thương mại song phương BTA.
Hồi đó mới tốt nghiệp (năm 2001), nhà rất nghèo, ngoài tự nuôi thân, tôi còn phải cùng bố mẹ nuôi các em học đại học. Để phục vụ công việc, cả nhà tôi đã dốc sức vay mượn mua cho tôi một chiếc xe máy Trung Quốc nhái hiệu Best của Suzuki, giá 10 triệu đồng. Nhưng có xe là một chuyện, kiếm được tiền đổ xăng cho xe lại là chuyện khác.
Hôm đến Toà nhà Vườn Hồng để làm nhiệm vụ, Hà Nội nắng nóng. Ăn vận chỉnh tề, quần tây áo sơ mi trắng đóng thùng, tôi đánh xe máy đến gửi bảo vệ và ung dung cầm giấy giới thiệu (lúc đó chưa có thẻ phóng viên) lên tầng gặp Thương vụ và Phòng Thương mại Mỹ.
Đó là lần đầu tiên tôi, một sinh viên mới tốt nghiệp, đi phỏng vấn trực tiếp những người có chức vị cao, đại diện cho một quốc gia khác (lại là siêu cường số 1 thế giới). Không hề choáng ngợp, một cử nhân ngoại giao đã rất tự tin, chuyên nghiệp, giao tiếp mạch lạc bằng tiếng Anh và lấy đủ tư liệu để viết bài. Thế nhưng câu chuyện không kết thúc mĩ mãn như vậy.
Số là sau khi xong việc, lúc xuống bãi gửi để lấy xe, tôi mới biết ở đó người ta có thu tiền giữ xe - mỗi xe 1000 đồng. Trong ví tôi không hề có xu nào, do mới đóng tiền nhà trọ trước đó, còn lương còi thì chưa đến ngày nhận. Bác bảo vệ kiên quyết không thông cảm với việc tôi sẽ quay lại trả tiền sau. Mà buộc tôi gửi lại chứng minh thư nhân dân và lúc nào có tiền thì đến chuộc lại. Đành vậy. Tôi để lại giấy tờ và lên xe về nhà trọ vay tiền cậu bạn cùng phòng. 5000 đồng là số tiền bạn cho vay.
Trở lại Rose Garden trả 1000 đồng để lấy chứng minh thư, vừa quay xe đi thì ôi thôi... khậc khậc khậc... con Best Tàu ho khục khặc và khựng lại vì... hết xăng!
Trong ví còn đúng 4000 đồng, định sẽ đi mua ổ bánh mì lót dạ, "nhà báo" quần tây áo sơ mi trắng đóng thùng đành mồ hôi nhễ nhại, đẩy xe hơn 1 km trong cái nắng oi nồng của trưa hè Hà Nội đến cây xăng gần đó nhường cho xe ăn.
Bên cạnh tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, trong gần 3 năm làm báo (2000-2002), tôi còn cộng tác viết bài cho nhiều tờ báo khác, điển hình có Báo An ninh Thế giới, bản cuối tuần do nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang phụ trách.
Thế rồi hết duyên, tôi chuyển về ngành Đường sắt, làm ở Ban Quan hệ Quốc tế, trước khi đầu quân sang Vụ Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Thương mại (sau này là Bộ Công Thương). Tuy hết duyên làm nhà báo chuyên nghiệp, nhưng sở thích viết lách và làm truyền thông đã kịp trở thành một phần máu thịt.
Về Đường sắt, chẳng hạn, tôi là một trong những người khởi xướng và sáng lập Tạp chí tiếng Anh "Railway to Success" (xem hình) để phục vụ cho mục tiêu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh của tuổi trẻ Đường sắt Việt Nam. Hay như cách đây 4 năm, tôi cùng một cộng sự nữa đã cho ra đời tờ báo điện tử Việt Úc Times (hiện vẫn đang còn ở địa chỉ www.vietuctimes.com).
Ngoài ra, lúc có thời gian tôi vẫn tiếp tục viết bài theo đơn đặt hàng của các tờ báo trong nước như tạp chí Quốc tế của Bộ Ngoại giao, báo điện tử CafeBiz, tạp chí Thương gia, hay trên các trang, nhóm mạng xã hội Facebook mà tôi là thành viên để chia sẻ những gì mình thấy và trải nghiệm được.
Hôm nay viết lại bài này là để lưu lại kỷ niệm và nhớ về một thời viết lách rất vui vẻ đã qua.
Sydney, 22/6/2019
Một người yêu viết lách
-
hungit4 năm trướcEm thực sự không có ý gì, nhưng với tư cách "Một người yêu viết lách" thì bác viết không hấp dẫn cho lắm, kể lể hơi nhiều
- BoKua4 năm trước@hungit cảm ơn em
-
dongkisotls4 năm trướcEm thấy hay và thực tế, rất dân dã, cảm ơn bác
- BoKua4 năm trước@dongkisotls cảm ơn em nhé ❤️
Tin cùng kênh Comic
BoKua đã gửi
- 17Hay
Thủ tướng Úc bị Chủ tịch Quốc hội “vả vào mặt”
Chuyện Úc lợn4 Bình luận Loan tin chantroiviet vannhan98 và 2 người nữa - 15Hay
Suy nghĩ nhân 26/3: Thanh niên Việt Nam cần làm gì?
Lâu lắm ko lên Linkhay và vừa tình cờ bị thầy Cường 0.5cm cho lên hot10 Bình luận Loan tin CONGTM09 cupe và 3 người nữa